YÊU VÀ TRƯỞNG THÀNH

Tình yêu và những thực tập tâm linh

Bữa đó bạn và mình ngồi nói chuyện. Nói chuyện về một bạn gái khác, trẻ hơn chúng mình rất nhiều, được người yêu chuẩn bị từ xa đến thăm nên cô ấy đang rất vui vẻ, cho dù họ đã chia tay và nối lại không biết bao nhiêu lần. Buột miệng mình bảo, ủa sao mà phải vậy, nếu đã biết không đi được xa hơn thì vui vẻ một chút để làm gì. Bạn bảo, đâu phải ai yêu cũng để cưới, huống hồ cô ấy còn có nhiều thời gian để yêu cho vui. Rồi mình cũng ừ, vì mỗi người đều có những lựa chọn sống trong từng giai đoạn khác nhau.

Ở đây mình không có ý so sánh rằng yêu thế nào mới là đúng hay cứ yêu là phải hướng đến mục đích kết hôn, hay kết hôn xong thì không cần yêu nữa. Thậm chí, có người kết hôn rồi mới biết yêu mà.Ngẫm nghĩ về những trạng thái yêu này khiến mình buồn cười. Tìm đối tượng để yêu cho vui, cho biết cảm giác có người để yêu và được yêu thì giống như tận hưởng một hành trình; còn tìm đối tượng để yêu và có cam kết lâu dài thì như tận hưởng điểm đến hơn là hành trình. Khi ta còn trẻ, nhất là phụ nữ, ta không có bị áp lực về cái “đồng hồ sinh học” trong người, nên thích và kết đôi với một số người cũng vui, được trải nghiệm việc có 1 người để ta quan tâm, 1 người chăm sóc ta; trải nghiệm việc mở không gian riêng tư của bản thân để người khác bước vào, và bước vào không gian riêng tư của người khác là một cái gì đó rất lạ lẫm, tò mò, phấn khích, nhưng cũng nhiều drama giận hờn này nọ. Trong trạng thái của việc không có gì để mất (bởi vì ta cho phép ta được trải nghiệm và khám phá, được yêu thích nhiều người) thì tình yêu có nhiều sự vô tư, ít lo lắng, ít suy tính, thậm chí nếu có chia tay cũng chẳng buồn hay tiếc nuối gì lâu vì “buồn và tiếc sinh ra từ cảm giác mất mát” mà ở tâm thái khám phá, chẳng có gì để mất thì rất ít buồn và tiếc. Rồi nếu có người yêu mới ngay và luôn thì cũng dễ quên luôn người yêu cũ, hihi. Nhưng khi tuổi tác lớn dần, thời gian và năng lượng bị chia sẻ bởi công việc và nhiều thứ trách nhiệm cuộc sống khác, phần lớn chúng ta hướng đến việc tìm đối tượng yêu để kết hôn. Ở đây, kịch tính bắt đầu lên cao, bởi vì sau những trải nghiệm lúc còn trẻ thì trải nghiệm yêu giờ đây trở nên bớt mới mẻ, bớt phấn khích hơn, trong khi nhiều nỗi lo tăng lên. Thí dụ, trước đây thích một anh chàng chỉ vì anh ấy hay ho; bây giờ dù anh có hay ho, gia thế nhà anh cũng là việc cần đắn đo. Nếu tuổi trẻ, ta gặp quá nhiều drama thì không tránh khỏi ta sẽ mang tâm lý drama vào mối tình hiện tại. Thí dụ khi xưa yêu một anh chàng bắt cá nhiều tay cho đến một ngày phát hiện mình chỉ là một con cá, thì bây giờ ta rất dễ ở tâm thái nhòm ngó âu lo xem chàng có đánh bắt xa bờ nữa không. Rồi cái đồng hồ sinh học cứ tík tok tik tok trên đầu. Có những thời điểm, bỏ thì thương, vương thì tội. Nói chung đây có thể là giai đoạn yêu mà hông vui lắm vì “có nhiều thứ để mất hơn”. Còn có những người sau khi kết hôn rồi mới biết yêu, mà lại yêu người khác, không phải người bạn đời. Có lẽ đây là trường hợp có nhiều sự đấu tranh nội tâm hơn cả vì một người đang yêu thì rất khó che giấu tâm trạng “nở bông tòe loe” của họ nhưng họ cũng phải “sống trong sợ hãi” vì bây giờ lại có nhiều thứ để mất hơn, trong đó lại có rất nhiều thứ to tát như thể diện – cái tôi, con cái, tài sản.


Yêu như vậy thì cuối cùng còn vui nữa không? Sống như vậy thì cuối cùng còn vui nữa không?

Bạn thấy sao? Mình bây giờ thấy buồn cười và thấy cuộc sống trở nên luẩn quẩn và phức tạp không cần thiết.

Khi ta thương yêu bản thân ta đủ ta sẽ nhận ra có những chuyện tưởng vậy mà không phải vậy, nên ta hoàn toàn có thể lựa chọn những trải nghiệm yêu đơn giản và vui vẻ hơn.

Thí dụ:
– Khi một người nổi cơn ghen tuông và kiểm soát thì hành động đó không xuất phát từ tình yêu mà từ lòng chiếm hữu. Ở bên cạnh một người có lòng chiếm hữu quá cao là tự tước đi tự do thân thể và tinh thần của chính mình.

– Khi một người ghen tị với ta là người đó đang thiếu sự tự tin/ lòng tin vào chính họ. Một người như thế sẽ rất có khả năng không những không ủng hộ ta mà còn dìm hàng ta khi họ có cơ hội; hoặc có thể sẽ làm những chuyện mang tính phá hoại hơn xây dựng để được khẳng định cái tôi của họ.

– Một người không dám trung thực với bản thân họ, không dám thừa nhận những việc họ làm bất kể đúng sai, thì cũng không có năng lực trưởng thành từ thất bại.

– Một người luôn bắt ta theo ý họ vì họ muốn tốt cho ta, là người thiếu năng lực lắng nghe và tôn trọng sự khác biệt.

– Một người cứ lải nhải than vãn về những chuyện xưa cũ là người mang gánh nặng quá khứ vào hiện tại và sẽ ít vui vẻ ở hiện tại.

vân vân và mây mây. Ta cũng hoàn toàn có thể ở trong các trạng thái như vậy khi ta thiếu nhận thức về bản thân và chưa yêu bản thân đủ.

Nhìn lại những điều quá rõ ràng như thế này, ta thấy chúng như những hạt giống lép, nếu ta cứ cố gieo xuống đất, hiển nhiên chẳng thể có mùa màng bội thu. Vậy ta đâm đầu vào làm gì?

Sao ta không chọn những hạt giống tốt; hay sao ta không tự chuyển hóa thành hạt giống tốt, rồi ta mới gieo hạt, và rồi ta sẽ có niềm vui của gieo hạt, cấy cày và thu hoạch?

Tình yêu luôn chứa đựng những bài học và trải nghiệm cần thiết để ta trưởng thành. Đừng nhầm tưởng trưởng thành sẽ bớt vui. Trưởng thành nhận thức thực sự rất vui, ít nhất là bởi góc nhìn cuộc sống trở nên đơn giản hơn, bớt sự phức tạp không cần thiết. Tình yêu trong sự trưởng thành nhận thức sẽ rất vui trong cả hành trình lẫn điểm đến.

Dù bạn đang ở độ tuổi nào và trạng thái nào khi yêu, hãy thử nhìn dưới một góc nhìn khác và thử đặt một mục tiêu khác trong tình yêu – thí dụ như Yêu để bản thân trưởng thành, rồi xem các mối quan hệ tình cảm và cuộc sống của bạn có trở nên dễ thở, rộng mở, thông thoáng hơn không?

Mong nhận được chia sẻ từ bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *