MỤC TIÊU VÀ KẾ HOẠCH

Một trong những bài học cuộc đời lớn của mình.

Mình có một người bạn, phải nói là siêu kế hoạch và siêu tổ chức. Bạn đặt ra kế hoạch phải làm những gì những gì mỗi ngày và mục tiêu của bạn là hoàn thành những gì trong kế hoạch. Bạn có thể ước tính chính xác mọi thứ ở điều kiện bình thường sẽ vận hành trong bao nhiêu phút và sẽ cố gắng sắp xếp và kiểm soát mọi thứ sao cho chúng chỉ mất từng đấy thời gian như vậy, cộng trừ thêm vài phút du di. Thí dụ như là để đi từ chỗ này đến chỗ kia sẽ mất khoảng bao nhiêu phút và nếu Grab không di chuyển trong bao nhiêu phút từ lúc đặt xe thì bạn sẽ hủy chuyến và đặt xe khác. Hoặc là nếu đi ăn và gọi món này thì ước tính rằng sau bao nhiêu lâu, món ăn phải được dọn lên, và nếu đến giờ đó mà không thấy đồ ăn đâu, thì sẽ sẵn sàng đứng dậy bỏ về nhà. Và tỉ lệ rất cao là một ngày sẽ kết thúc trong ít hoặc nhiều thất vọng vì không ít thì nhiều, luôn có những việc, từ đơn giản đến phức tạp, không diễn ra theo đúng thời gian dự tính. Tất nhiên, theo lẽ thường, tâm trạng sẽ không vui vì mọi việc không như ý muốn. Mình chứng kiến việc này quá nhiều lần nhưng mình không thể thuyết phục được bạn, rằng hãy bình tĩnh một chút … chờ một chút … chậm lại một nhịp … đôi khi … giống như là …. ta có thể nói với một người làm dịch vụ đang bấn loạn rằng …. “Mình vẫn ở đây, đợi bạn. Mình cần bạn đến đây, mình cần dịch vụ của bạn. Vậy hãy cố gắng hết sức có thể đến đây đón mình hay giao cho mình đồ này đồ kia”. Nói chung là từ trải nghiệm cá nhân, mình thấy tỉ lệ rất cao rằng đôi khi mình có thể phải chờ đợi thêm một chút … nhưng kết quả thường xuyên là mình luôn đến được nơi mình cần, ăn được món mình thích, hoàn thành được việc phải làm và trở về nhà vui vẻ. Nhưng mình không thể thuyết phục được bạn mình làm theo cách của mình vì kế hoạch thuyết phục đấy sẽ bị vỡ … khi chưa đến thời điểm của nó.
 
Công việc của mình, ngược lại, đòi hỏi rất cao việc chấp nhận mọi thứ không như kế hoạch, hay chính xác hơn là, chấp nhận có một cái kế hoạch gì đó còn cao hơn cả kế hoạch của mình. Đặc biệt là trong 3 tiếng chính của phiên thôi miên, mình luôn luôn không biết điều gì sẽ diễn ra. Về ngoại cảnh, internet có ổn định không, hàng xóm có tình cờ khoan đục, tang ma hay karaoke gì không, chó có sủa mèo có kêu không. Về nội cảnh mình cũng không biết chủ thể và mình sẽ được dẫn dắt qua những trải nghiệm gì, ngoài một niềm tin rằng chúng ta luôn được mang đến những gì trong khả năng ta có thể xử lý được. Có những ca thực sự đã kéo dài đến quá cả giờ ăn tối muộn. Có những ca dù internet bị ngắt đến 4 lần và ở phía mình nó kéo dài đến tận 5-6 tiếng, nhưng ở phía chủ thế lại chỉ như mới có 1 tiếng. Có những ca mình phải chấp nhận ở vị trí của người quan sát và không được can thiệp gì hết. Có những ca thì lại thách thức mình việc tôn trọng trải nghiệm của người khác, bởi vì dù câu chuyện của mình có thể rất tương tự trên bề mặt với câu chuyện của chủ thể, mình không được phép áp đặt ý chí chủ quan của mình lên họ. Có thể nói rằng, đối với mình, mục tiêu cốt lõi bên trong là giữ trạng thái cân bằng cho bản thân và những người, những việc xung quanh. Bởi vì mình nhận ra rằng trong trạng thái mất cân bằng, khả năng cao mọi lời nói, quyết định, hành động thay vì giải quyết vấn đề cũ lại tạo ra thêm nhiều vấn đề mới. Mục tiêu là như vậy nên mình chấp nhận có thể điều chỉnh kế hoạch khi cần, nhưng quả thật, khi nhìn lại thì mình thấy hầu như những việc cần làm đều làm được. Trong mắt của bạn mình, mình là một đứa không có kế hoạch. Một người rất có kế hoạch sẽ nhìn một người không có kế hoạch như một cái gai ngứa mắt. Còn với mình, nhìn một người luôn có kế hoạch nhưng lại thường xuyên kết thúc một ngày trong sự thất vọng vì vỡ kế hoạch lại khá buồn cười.
 
 
KẾ HOẠCH LÀ ĐỂ LÀM GÌ?
 
Bạn đang đặt mục tiêu gì trong cuộc sống thì kế hoạch cũng sẽ theo hướng như thế.
Nếu mục tiêu là bắt đầu một ngày mới với một năng lượng tốt, thì dù trẻ con có mè nheo khóc lóc ngủ dậy muộn buổi sáng hay đường phố kẹt xe, vẫn hít một hơi thật sâu và ngồi vào bàn làm việc ngon lành nhất có thể.
Nếu mục tiêu là trở về nhà an toàn, thì bác tài đi chậm một chút cũng được, miễn là về đến nhà an toàn.
Nếu mục tiêu là nhà luôn là tổ ấm, thì bất kể chuyện gì đã xảy ra ngoài đường ngày hôm nay, chúng sẽ luôn dừng ở cửa nhà, và sẽ luôn bước vào trong nhà với một năng lượng ấm áp.
Nếu mục tiêu là có một bữa cơm quây quần, thì bất kể đối phương đã vụng về như thế nào, sẽ không bao giờ buông lời phàn nàn trong bữa ăn.
Nếu mục tiêu là có một chuyến đi chơi vui vẻ cùng nhau, thì dù lỡ tàu xe hay có trục trặc gì, thay vì đổ lỗi cho nhau, sẽ lựa chọn xê dịch chuyến đi để phù hợp với tình hình mới.
Nếu mục tiêu là sẽ luôn có một giấc ngủ ngon, thì dù đã tranh luận ra sao, hãy gác lại cho đến khi đủ bình tĩnh để đối thoại tiếp, và bình an, trèo lên giường đi ngủ.
 
Trước đây, mình cũng không khác gì bạn mình, cũng vẽ vời mục tiêu nọ kia và dù còn kém xa bạn về độ hoàn thành kế hoạch theo đúng mục tiêu, mình không cảm thấy hạnh phúc thường trực. Mình đã suy nghĩ rất nhiều, và cho đến khi mình đọc cuốn THỨC TỈNH MỤC ĐÍCH SỐNG của Eckhart Tolle thì mình đã nhận ra được là dù có đặt mục tiêu bên ngoài ra sao, cũng không được quên cái mục tiêu bên trong – Với mình, đó là sự cân bằng ở bên trong như đã viết.
 
CÓ LẼ, NẾU KHÔNG RÕ MỤC TIÊU ĐỂ LÀM GÌ THÌ KẾ HOẠCH SINH RA LÀ ĐỂ VỠ KỄ HOẠCH, ĐỂ KHI MÀ NÓ VỠ QUÁ NHIỀU THÌ TA MỚI DỪNG LẠI ĐỂ TỰ HỎI TA MỤC TIÊU THỰC SỰ LÀ GÌ.
 
Biết ơn các kế hoạch đã vỡ để có mình như ngày hôm nay!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *