CÁCH YÊU

Chúng ta không thể cho đi cái mà ta không có bởi vì một thứ không tồn tại trong nhận thức của ta thì ta sẽ không nhìn ra được chúng, và (tạm thời) không có khả năng tạo ra chúng, nên tất nhiên là không chia sẻ được.

Vì thế nên mỗi người sẽ có những cách thể hiện, trao đi tình yêu khác nhau tùy vào mức độ mà họ nhận thức được. Một người hay lo lắng, để ý tiểu tiết thì sẽ hay nhắc nhở, càm ràm những chuyện bé bé chỉ để mọi việc với người kia trôi chảy. Mẹ là đại diện tiêu biểu cho hình mẫu này, kể cả khi con đã trưởng thành hay đầu hai thứ tóc, mẹ vẫn theo thói quen nhắc những chuyện bé bé như kiểu làm cái này rồi mới làm cái kia, hay là không nên làm thế này, không nên làm thế kia. Ngược lại, một người rất độc lập thì sẽ trao cho người kia nhiều sự độc lập hơn, giống như là thôi cứ làm đi, sai rồi sửa, rồi sẽ sẽ quen dần. Một người rất chỉn chu, cầu toàn, có khi lại trao đi nhiều sự khó chịu, chỉ bởi vì họ muốn mọi thứ được kiểm soát tốt nhất và tránh những rắc rối không cần thiết về sau. Ngược lại một người dễ tính thì mang lại nhiều sự nhẹ nhõm, thoải mái bởi vì họ không dễ bị phật lòng. Một người sống bằng cái đầu quá thì mang lại rất nhiều sự rạch ròi, chuẩn mực đến đau cả đầu. Một người sống bằng con tim quá thì hồn nhiên, chân thật và nhiều xúc cảm. Tất nhiên, cuộc sống thì không phải ai cũng có những cái có giống nhau, có nhận thức giống nhau. Và mọi chuyện thường trở nên khó thở hơn khi người này không thích/ không cần cái mà người kia trao; hoặc là khi họ không ghi nhận rằng cái cách mà đối phương đang làm là trao đi yêu thương “Bảo là thương em, mà làm thế với em, là không thương em rồi!”

Nhưng câu chuyện bao giờ cũng như vậy khi có sự chênh lệch về mặt nhận thức. Giống như khi ta còn trẻ trâu, ta ghi nhận người thương mình là những người nói đúng ý mình – hay cái tôi của mình. Cho đến khi đã nếm mùi cuộc đời, ta mới nhận ra, có lúc người thương mình nhất lại là người đã bóc mẽ mình ác liệt năm xưa. Giống như khi ta rất sợ bị kiểm soát thì những tỉ mỉ chi tiết người thương hỏi han làm cho ta càng sợ bị kiểm soát, cho đến khi ta nhận ra, người ta hỏi han vậy để biết lựa ý ta mà sống cho thuận hòa thôi. Có lẽ đã có một lúc nào đó trong tâm trạng rối bời vì không được như ý, mình suýt nữa đã nói “Nhưng tất cả những điều bạn làm, không phải là cái mình cần!” bởi vì câu nói ấy nghe thì rất là ngầu xì ngầu mà có sức tổn thương nặng nề với đối phương – bởi vì thực sự, họ đã chỉ làm những gì trong tầm nhận thức của họ. Khi thấy có điều gì đó sai sai, hãy bình tĩnh ngồi lại, cảm nhận lại để xem bản thân thực sự cần gì. Rất rất nhiều khi, cái ta nghĩ ta cần lại không phải thứ ta cần, giống như đôi khi ta nghĩ ta cần những lời dễ nghe, nhưng thực ra ta cần hơn những lời không dễ nghe lắm để ta nhìn lại bản thân tốt hơn.

Thế rồi, hãy nói ra điều mình cần nhưng hãy chấp nhận rằng cần rất lâu để một người thay đổi thói quen, nên nếu người thương ta chưa kịp điều chỉnh theo đúng nhịp độ ta mong muốn thì hãy cứ rộng lượng đi. Bởi vì ta chắc gì đã làm được tương tự với họ.

Thế rồi, cũng có thể, dễ dàng mà cười xòa, đón nhận, biết ơn trước cách thương yêu của họ thay vì khó chịu như trước kia.

Thế rồi, cũng phải chấp nhận rằng dù ta có lựa chọn điều chỉnh lại góc nhìn của bản thân để làm như vậy với người ta thương; nhưng họ không chọn làm như vậy với ta, thì đó cũng là chuyện hết sức bình thường. Họ cũng giống như ta năm ấy, hết sức là trẻ trâu. Và họ cũng đang nghĩ về ta như cách ta nghĩ về đối phương năm ấy, bạn còn lâu mới trưởng thành bằng tôi.

Thế yêu cách nào thì đúng nhất, câu hỏi đấy mỗi người sẽ tự phải trả lời và họ sẽ nhận ra được cái đúng đấy khi họ thấy à à à …. theo cách này thì sẽ dễ thở hơn.

Hi vọng chúng ta sẽ tìm được cách để dễ thở hơn …. trước khi tắt thở ^^

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *