TÌM HIỂU PHƯƠNG PHÁP THÔI MIÊN LƯỢNG TỬ (PHẦN II)

NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP CỦA CHỦ THỂ (Phần 1)
CHIA SẺ TỪ TRẢI NGHIỆM CÁ NHÂN

Đây là những bài viết dài tập chia sẻ về trải nghiệm và góc nhìn của mình về phương pháp thôi miên lượng tử để giúp cho người ngoài cuộc có thêm góc nhìn từ người trong cuộc về phương pháp này.


Mở đầu là những câu hỏi thường gặp từ các chủ thể và góc nhìn của mình. Mình sẽ cập nhật dần các câu hỏi.

1. BẠN MUỐN THÔI MIÊN ĐỂ CHỮA LÀNH?

Thôi miên có thể giúp bạn giải đáp và tháo gỡ nhiều khúc mắc hiện tại, hiểu được các vấn đề bạn đang gặp phải nhưng cuối cùng khi trở về cuộc sống hàng ngày tự bạn phải chữa lành cho chính mình bằng việc tự nhận biết và chuyển hóa bản thân, không vô thức lặp lại các mô thức cũ nữa. Chỉ theo cách đó bạn mới nhận được kết quả bền vững lâu dài trong cuộc sống. Thôi miên không phải là liều thuốc tiên và không nên lạm dụng.

Nếu cứ chìm đắm và vô thức lặp lại những tư tưởng cũ, suy nghĩ cũ, cảm xúc cũ, hành vi cũ, bạn lại đang tiếp tục gieo những nhân mới, nhận những quả mới, và thế thì chữa lành cả một đời hay nhiều đời cũng không xong vì bạn mãi trong một cái vòng luẩn quẩn.

Hãy xem thôi miên và sự chữa lành trong thôi miên là một bước đi rất nhỏ giúp bạn nhận biết được bản chất thực sự bạn là ai và tự bạn bước tiếp để trở về với bản chất thực sự ấy, sống tỉnh thức trong từng giây phút và như thế sẽ chả có gì mà chữa lành nữa.

2. BẠN MUỐN THÔI MIÊN ĐỂ CHỮA BỆNH?

Qua trải nghiệm cá nhân, mình thấy phương pháp thôi miên có thể xử lý rất tốt các vấn đề về tâm lý, các bệnh tâm lý. Đối với các bệnh trên cơ thể vật lý, bậc thầy thôi miên lượng tử Dolores Cannon và con gái Julia Cannon qua hơn 40 năm làm việc, chia sẻ rất nhiều trường hợp chủ thể khỏi bệnh sau ca thôi miên. Một số ca thôi miên mình thực hiện cũng cho thấy nguyên nhân một số căn bệnh vật lý ở hiện tại đến từ các kiếp sống trước đây nhưng mình cần thêm thời gian để chiêm nghiệm về hiệu quả chữa trị của phương pháp này.

Do vậy, bạn có thể dùng phương pháp thôi miên để tìm hiểu nguyên nhân, giải pháp của các bệnh vật lý thông qua thôi miên như cách mà Dolores Cannon hay Edgar Cayce đã làm, như một cách tham khảo thêm nhưng không nên đặt nặng về hiệu quả tức thì.

3. THÔI MIÊN ĐỂ TÌM SỨ MỆNH CUỘC ĐỜI?

Bạn chưa có gì để cho đi nếu bạn chưa biết nhận lại. Bạn chưa thương được người khác nếu bạn chưa thương được bản thân. Vì vậy trước khi nghĩ đến chuyện làm được gì cho đời, cho bên ngoài, bạn cần biết cách cân bằng bên trong, biết cách yêu bản thân, biết cách yêu cuộc sống của chính bạn. Hãy hình dung rằng bạn đến đây để được “chơi”, để yêu thương và được yêu thương và để luôn tỉnh thức sống với một tinh thần như vậy không dễ dàng tí nào. Hãy hình dung rằng chỉ cần bạn là một ngọn hải đăng vững chắc thì tự bạn đã soi sáng cho rất nhiều người xung quanh mà chưa cần phải làm gì cả.

Nếu bạn quá hướng ra bên ngoài, muốn “trở thành một ai đó” khi bạn chưa chăm sóc bên trong tốt, bạn giống như trồng một cây cổ thụ có tán lá to với một bộ rễ nông, chưa cần bão lớn đã có thể bị đổ. “Trở thành một ai đó” rốt cuộc vẫn chỉ là một vai diễn, một tấm áo khoác, bất kể người ta gọi bạn hay bạn tự gọi bạn là gì, như là nhà chữa lành, người cố vấn, người lãnh đạo, triệu phú, bác nông dân, xe ôm công nghệ, vv

“Bạn chỉ tin vào những gì bạn biết”. Nếu bên trong bạn được thôi thúc làm những việc như vậy thì điều đó sẽ cứ quay trở đi trở lại thúc giục bạn mạnh mẽ hơn, bạn biết bạn cần làm gì. Nếu ai đó bên ngoài nói bạn phải làm này làm kia đi và nếu đó là điều bạn đã biết thì lời nói của người ngoài chỉ thêm khẳng định để bạn vững tin hơn vào điều bạn đã biết. Còn nếu họ nói với bạn điều mà bạn không biết, không nhận ra trong chính bạn, thì bạn sẽ chưa tin điều đó ngay đâu. Khả năng rất cao bạn sẽ lại hướng ra ngoài, hỏi Đông hỏi Tây, càng lắm thầy càng nhiều ma, càng nhiều thông tin càng nhiễu loạn. Khi càng rối thì lại càng không biết, không nhận ra bên trong.

Việc nhận biết chính mình đến từ những trải nghiệm ở thế giới bên ngoài và thế giới bên trong, nếu bạn còn quá trẻ hay có quá ít trải nghiệm, tốt nhất nên quay về việc trải nghiệm nhiều hơn, nhận biết chính mình cái đã. Hỏi người khác về “Sứ mệnh cuộc đời” có khi lại là một cái bẫy bản ngã rất tinh vi.


4. BÀI HỌC CUỘC ĐỜI NÀY LÀ GÌ?

Bài học của bạn ngay tại giây phút này là gì? Bạn trả lời mình đi, có phải bạn đến gặp nhà thôi miên để hỏi tiềm thức của bạn câu hỏi này bởi vì bạn không hiểu bạn không? Nếu vậy, bài học ngay trong giây phút này, là làm sao để hiểu chính bạn mà không cần hỏi ai khác.

Bạn trở về nhà và đối diện với những điều không như ý, một ý niệm sân si trong bạn khởi lên. Bài học trong giây phút đó của bạn là gì?

Đừng nghĩ điều gì quá xa xôi. Bài học đến với bạn trong từng giây từng phút, hãy tỉnh táo ghi nhận và xử lý chúng. Tốt nghiệp lớp 1 rồi dần dần sẽ được tốt nghiệp lớp 12, vội gì. Những gì học được, xong rồi thì quên đi, đến bước nào thì biết bước đó vậy thôi.

5. TÔI MUỐN BIẾT TÔI CÓ NÊN ĐI THEO CON ĐƯỜNG TÂM LINH KHÔNG?

Tâm linh là gì? Con đường tâm linh là gì?

Tâm linh là một phần của cuộc sống hay tâm linh bao trùm cuộc sống?

Mình nói đùa rằng tâm linh là “hướng vào tâm thì mọi thứ sẽ linh”. Khi bạn luôn hướng vào tâm bạn đi đường đất, đường bê tông, đường trải sỏi, đường hoa hồng, vv thì chúng cũng chỉ là đường thôi mà. Khi bạn luôn hướng vào tâm, bạn đi xe đạp, đi xe buýt, đi công nông hay tàu hỏa, máy bay hay đĩa bay thì chúng cũng chỉ là phương tiện thôi mà. Lúc này đi đường này bằng phương tiện này, lúc khác đi đường khác bằng phương tiện khác có sao đâu. Làm bà đồng hay thầy phù thủy, là một nhà kinh doanh, một người nghệ sĩ, bác nông dân hay người tu hành cũng chỉ là một cái áo khoác, là con đường, là phương tiện thôi mà. Hãy tự do sáng tạo và lựa chọn con đường và phương tiện, để tâm bạn thắp đuốc cho bạn đi.

6. TÔI MUỐN BIẾT TÔI ĐANG Ở ĐÂU TRÊN HÀNH TRÌNH TÂM LINH VÀ TÔI CÒN NHỮNG GÌ PHẢI ĐI TIẾP

Vũ trụ là vô tận, không có khởi đầu, không có kết thúc. Vậy làm sao tính được bao nhiêu phần trăm của cái vô tận?

Khi Thích Ca ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Đề, ông ấy có biết trước 49 ngày sau sẽ chứng quả không?

Chúng ta cũng chẳng biết trong tích tắc tiếp theo ta còn thở hay không, nên thôi cứ Ở Đây và Bây Giờ, và cái gì đến sẽ đến.
Có thể một lúc nào đó tự bạn sẽ biết bạn đang ở đâu và còn gì để đi tiếp, và khi bạn biết thế thì chẳng cần ai phải nói gì với bạn, chẳng cần bạn phải chứng minh với ai.

7. TÔI MUỐN ĐƯỢC TRẢI NGHIỆM CÁC KIẾP SỐNG TRONG QUÁ KHỨ

Quá trình tiếp cận với tiềm thức là quá trình bạn có thể trải nghiệm những gì bạn gọi là các kiếp sống, tức là “trải nghiệm các kiếp sống” không phải là mục đích mà là một trong các “phương tiện” của ca thôi miên.

Tuy nhiên, hãy hỏi lại bạn trước “Trải nghiệm các kiếp sống trong quá khứ để làm gì và có ích gì trong cuộc sống hiện tại?” Nếu bạn không rõ ràng về điều này thì ca thôi miên giống như một liều thuốc kích thích vào những hạt mầm bản ngã đã có sẵn trong bạn và bản thân nó sẽ là một bài học đắt giá dành cho bạn. Thí dụ bạn còn bám vào danh vọng bạn sẽ còn thất vọng nếu thấy trong các kiếp sống trước bạn có địa vị thấp kém; bạn còn tâm so sánh bạn còn bám vào những gì huy hoàng bạn có trong những cuộc đời đó để phân biệt với hiện tại. Hãy nhớ rằng những hạt giống đó đã có sẵn ở trong bạn, nên không thôi miên thì sẽ có phương tiện khác, đối tượng khác kích thích hạt giống đó này nở. Do đó, mong bạn hãy hoan hỉ nếu nhà thôi miên từ chối thực hiện với bạn hay có những lời khuyên có thể phật ý bạn về sau.

Xem Phần I tại đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *