HÃY VUI SỐNG ĐẾN KHI ƠN TRÊN GỌI VỀ

Thôi miên lượng tử khám phá những kiếp sống chết trẻ vì tai nạn, bệnh tật hay các trường hợp tự tử.

Xin tặng bài viết này cho những ai đã và sẽ có thể trải qua những ngày buồn đau đến mức muốn tự giã biệt cuộc đời; cho những ai đã và sẽ có thể trải qua những tổn thương trên cơ thể vật lý như tai nạn, bệnh tật đến mất niềm tin vào cuộc sống.

Xin cảm ơn tất cả những chủ thể đã chia sẻ trải nghiệm của họ đến chúng ta.

THÔI MIÊN LƯỢNG TỬ – CHỦ THỂ THỨ NHẤT

Em đến gặp tôi sau khi tự mình đã vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc đời. Cuộc đời em, nếu nhìn từ ngoài vào thì phải nói là rất sung sướng vì chả phải lo bất cứ cái gì. Bố mẹ cho tiền, cứ thế mà ăn học rồi lấy chồng và sinh con, nuôi con. Em hầu như chẳng phải sắp xếp cái gì cho đời mình vì bố mẹ đã dọn đường đi nước bước hết rồi, nhưng em kể rằng chính việc đấy lại làm cho em thấy rất căng thẳng lúc còn nhỏ vì em không được tự quyết cái gì cả. Em rất chán nản và có lúc muốn tự tử. Nghe qua câu chuyện này, tôi cứ nghĩ rằng có khi bài học đời này của em là phải học cách tự quyết định, tự làm chủ. Nhưng không phải vậy.

Cuộc đời thứ nhất, em là một cô gái xinh xắn, đến tuổi cập kê. Những người trong gia đình em đang ồn ào tranh luận bàn tán cái gì đó về em, hình như là đám cưới. Còn em chẳng quan tâm gì đến họ vì họ vốn dĩ chẳng nghe em nói. Em bỏ ra sau nhà buồn bã, cho sóc ăn và tâm sự với sóc. Em chỉ có duy nhất chú sóc bầu bạn và lắng nghe em. Họ bắt em lấy một ai đó em không biết. Em không chấp nhận được và cũng không biết phải làm thế nào. Em bỏ vào rừng … đi mãi … đi mãi …. em tự tử chết. Sau đó em thấy linh hồn của mình gặp một ông già áo trắng. Ông dẫn em vào một căn phòng và nói rằng em đã chọn cái chết quá sớm, không cần thiết. Hãy trở lại làm người và đừng chấm dứt cuộc sống của mình như thế.

Cuộc đời thứ hai, em thấy mình là một cô gái trong bộ tộc da đỏ. Cô sống một mình trong một túp lều. Có một người đàn ông trong bộ tộc lẻn vào lều của cô và định hãm hãi cô. Cô sợ quá nên đã dùng cái gì đó để tự vệ và vô tình giết chết anh ta. Ông trưởng bộ tộc muốn dàn xếp việc đó, thay vì trừng phạt cô gái, ông ta nói sẽ tha cho cô nếu cô chịu lấy ông. Cô gái uất ức không chịu được nên đã bỏ ra bờ biển, trầm mình dưới nước và chết. Khi linh hồn vừa rời khỏi cuộc đời đó, em thốt lên: Ôi chị ơi em lại chết rồi à. Thế là lại không học được bài học rồi à =))

Kết thúc ca làm việc, chúng tôi tạm thời hiểu rằng, có thể cuộc đời này, tạm thời đến lúc này, em chưa cần suy nghĩ cao siêu gì về cuộc đời, sứ mệnh cái chi chi gì hết ^^. Em cần học nốt bài học là chấp nhận mọi thứ được sắp xếp sẵn hết cho mình, chỉ việc sống thôi, đừng tự kết liễu đời mình.

THÔI MIÊN LƯỢNG TỬ – CHỦ THỂ THỨ HAI

Cuộc đời thứ nhất, bạn thấy mình là một bé gái tầm 12, 13 tuổi ở một vùng quê Việt Nam. Gia đình cũng nghèo, nhà gạch lợp mái lá nhưng cả gia đình sống rất vui vẻ ấm áp. Cô gái được nuôi dưỡng trong tình yêu và sự chăm sóc của mọi người. Sau đó lớn lên, cô được lên thành phố để đi học tiếp lên cao hơn. Nhưng đang học dở dang thì cô phải trở về quê vì mang trọng bệnh, giống như bị bệnh phổi vì môi trắng toát, nhợt nhạt. Cô chết trẻ và được chôn cất ở kế bên nhà. Cô cảm thấy hài lòng về cuộc đời vì cảm nhận được sự yêu thương và bình an trong gia đình, không có gì hối tiếc.

Cuộc đời thứ hai, bạn thấy mình là một đứa con trai tầm 8,9 tuổi con một gia đình rất nghèo, sống ở vùng biển Việt Nam. Nhà lá đơn sơ, ba mẹ làm nghề biển nhưng cha suốt ngày say xỉn và đánh đập mẹ. Lớn lên, bé thành một anh thanh niên phổng phao, đẹp trai, được người ta nhận vào làm công việc khuân vác ở gần nhà. Lúc này thì ba bệnh nặng nên hầu như chẳng làm được gì, chỉ có người mẹ chăm sóc gia đình. Tự kiếm được tiền phụ giúp ba mẹ nên anh rất vui nhưng anh vẫn muốn đi xa nhà, tìm những việc khác nữa vì công việc này cứ lặp lại nhàm chán. Sau đó anh lên thành phố làm nghề sửa xe. Anh lấy một người vợ rất tốt và có một đứa con trai. Vài năm sau, khi mới tầm ba chục tuổi, anh bị tông xe rất nghiêm trọng, gãy chân, chấn thương ở đầu, phải ở nhà cho vợ chăm sóc, và từ đó không làm việc được nữa. Anh rất chán nản vì thấy mình không làm được việc gì nên trở nên khó chịu và hay nổi nóng la mắng vợ. Người vợ hiểu và thương chồng nên rất nhẫn nhịn.  

Thế nhưng người chồng vẫn hết sức chán nản, và một ngày khi không chịu nổi nữa, anh lăn xe lăn lao mình ra đường lớn và bị xe lớn tông chết. Anh thấy linh hồn mình bay lên cao, nhìn xuống dưới thấy vợ đang khóc lóc bên cạnh thân xác mình. Khi gặp người thầy tâm linh, trông giống như một ông tiên trên thiên đình, tay cầm cây phất trần (bạn tả là tay cầm cái que có nhiều sợi tua rua ^^). Thầy hỏi tại sao anh lại chọn chết như vậy. Anh nói vì cuộc sống khổ quá nên muốn chết. Thầy có chút giận và bực trên nét mặt và trách anh: Đau khổ không nhất thiết phải chết. Cái gì cũng có cách giải quyết cả. Không có tay chân vẫn làm được việc khác. Không được nản hay nhụt chí. Và nhắc anh sẽ phải học lại bài học này.

Ở cuộc đời hiện tại, may mắn thay bạn đã trải qua những ngày trầm cảm muốn quên mình. Bạn rất sợ tiếng động lớn và điều này được giải thích là do cú tông xe của cuộc đời trước đã tạo ra một âm thanh rất lớn.   

THÔI MIÊN LƯỢNG TỬ – CHỦ THỂ THỨ BA

Chị thấy mình là một anh công nhân trẻ tuổi đang làm việc trong một xưởng cưa, khung cảnh ở Việt Nam. Anh làm việc rất chăm chỉ và huýt sáo vui vẻ. Xung quanh có những người công nhân khác đang làm các phần việc khác. Ôi thôi rồi, lưỡi cưa đã kéo qua … một tai nạn lao động rất nghiêm trọng. Anh bị mất một cánh tay và một chân. Khung cảnh tiếp theo, anh thanh niên chống nạng đi bán vé số. Anh đội mũ nâu, đeo một cái túi đen bỏ vé số, một tay cầm vé số. Anh đi bán ở vùng quê, khung cảnh tự nhiên rất bình yên và anh có vẻ rất tận hưởng sự thư thái đó, anh vẫn rất yêu đời. Có mấy đứa nhỏ thương anh tội nghiệp nên hay cho anh đồ ăn, trái cây. 

Sau đó anh về nhà. Vợ anh ở nhà làm một việc gì đó như dệt vải. Nhà rất nghèo, nền đất, xung quanh là vách nứa, mái tranh. Anh tuy rất hiền lành nhưng người vợ lại có phần dữ dằn, đanh đá. Anh nghiện thuốc lào.

Thế rồi anh rời quê lên thành phố bán vé số và anh bị xe bus tông chết. Sự việc diễn ra rất nhanh. Lúc này chủ thể không xem khung cảnh như một người quan sát mà đang ở trong chính người thanh niên đó. Chị thấy mình thoát ra khỏi cơ thể đó, bay lơ lửng ở trên và nhìn xuống thấy cơ thể người thanh niên nằm bên dưới, nhìn bên ngoài không có chấn thương gì mấy, nạng văng ra một bên. Linh hồn anh thấy rất nhẹ nhàng, bình thường và không tiếc nuối gì cả. Trải nghiệm này khá khác biệt vì chị đã xem vài cuộc đời khác với những cái chết rất khác nhau. 

Bài học cuộc đời đó là trải nghiệm về sự thiếu thốn như thiếu tay, chân và phải học cách thích nghi nhưng vì anh thanh niên đã học rất tốt, thích nghi tốt nên anh không tiếc nuối gì khi mất đi.

Ngoài ra, chủ thể này đã gặp Chúa Jesus (dù chị không theo đạo) và hỏi về đứa cháu hơn một tuổi của mình. Cháu được chẩn đoán rối loạn nhiễm sắc thể từ lúc sinh ra nên chậm phát triển cả về nhận thức lẫn cơ thể vật lý. Ngài nói đây là một trải nghiệm cho cha mẹ của cháu và cả cháu nữa, nhưng đến tầm 4, 5 tuổi thì mọi thứ sẽ trở lại bình thường rất tự nhiên nên không cần lo lắng gì. Đây là câu chuyện của tương lai nên chúng ta hãy lưu lại để chiêm nghiệm sau.

LỜI KẾT

Đây là những trải nghiệm thực tế của mình từ các ca thôi miên về những cuộc đời ra đi rất trẻ vì bệnh tật hay tai nạn, và về những trường hợp tự tử. Ở góc nhìn của người trong cuộc, có sinh mạng này, có cơ thể vật lý này để trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm vai diễn trên Trái Đất này là một điều đáng quý. Mong chúng ta dù giông bão ra sao, còn thở được là còn trân quý, hãy sống cho trọn vẹn vai diễn của mình. Còn ở góc nhìn ngoài cuộc, đôi khi cũng chẳng cần bi thương quá trước những số phận mà ta thấy họ “kém may mắn” hơn bình thường. Ta giúp được đến đâu cứ giúp, thương được đến đâu cứ thương nhưng cũng hiểu rằng đó là những lựa chọn trải nghiệm vai diễn của họ, cũng như ta đang sống trong vai diễn của ta. Và tâm thế bên trong đối với cuộc sống mới là cái quan trọng nhất. Sự lành lặn về tâm hồn mới cho ta những trải nghiệm trọn vẹn nhất với cuộc đời này.  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *